Cuộc Sống

Lộ trình học tập và phát triển cho người làm content

LỘ TRÌNH HỌC TẬP VÀ PHÁT TRIỂN CHO NGƯỜI LÀM CONTENT

Bài viết này sẽ khá dài, từ góc nhìn của người làm thực tế, cho đến quản lý và đào tạo đội ngũ nhân sự Content. Mình không trải nghiệm nhiều ở góc nhìn Freelancer nên bài viết này sẽ phù hợp hơn với các bạn theo hướng làm Content chuyên nghiệp tại công ty.

Bài viết này dành cho các bạn mới vào nghề chưa biết bắt đầu từ đâu, các bạn đã đi một quãng đường nhưng chưa biết đi tiếp thế nào, các bạn đã leo lên gần tới ngọn núi muốn nhìn xem xung quanh có gì, trời cao mây rộng ra sao…

BƯỚC 1 – LẦN ĐẦU LÀM QUEN: TÔI LÀ AI, ĐÂY LÀ ĐÂU?

Bạn có thể là sinh viên, người trái ngành chưa biết gì về Content, lúc này việc bạn cần làm là tự tìm hiểu các khái niệm cơ bản trong nghề như Content là gì, làm Content là làm gì, cần tố chất gì…để kiểm chứng lại bản thân mình có thực sự thích hợp để lựa chọn hướng đi này hay không.

Ở giai đoạn này, khoan hãy đặt câu hỏi làm Content có giàu được không hay kiếm tiền ra sao, chỉ đơn giản hiểu nó là gì và mình có thích nó không.

Vì có thể sau khi tìm hiểu, bạn không còn thích nữa hoặc tìm ra hướng khác phù hợp hơn ví dụ như thích giao tiếp bằng lời nói hơn là con chữ, hình ảnh, video…vốn từ vựng còn ít, không đủ kiên nhẫn để ngồi sáng tạo hàng giờ, hàng ngày.

BƯỚC 2 – LẠC VÀO THẾ GIỚI CONTENT

Bước tiếp theo, bạn hãy thử dành thời gian chìm đắm trong thế giới những người làm Content, ví dụ

– Thử follow các fanpage về Marketing, truyền thông

– Tham gia các hội nhóm như Tâm sự Con Sen, Hỏi đáp Marketing, Viết lách mỗi ngày, Những người viết hàng ngày,

– Tham dự các sự kiện như workshop, talkshow, webinar, offline… để lắng nghe người trong nghề kể chuyện ngành.

– Học các khái niệm, nguyên lý cơ bản của Marketing, tìm hiểu đặc trưng các loại Content, các nền tảng mạng xã hội (lướt FB thiệt nhiều, coi TikTok thường xuyên hơn, đọc báo nhiều hơn, để ý các bài viết trên Google…)

BƯỚC 3 – CHỌN HƯỚNG ĐI ĐÚNG

– Ở bước này, bạn đã hiểu sơ sơ làm Content là làm gì rồi. Tiếp theo cần xác định cho mình mục tiêu mình muốn làm vị trí gì và mảng nào. Ví dụ mình thích nhanh, thú vị, ngắn, ưa mấy cái trend này nọ thì thích hợp làm Social Content.

Tính mình ưa viết chỉn chu, viết dài thì có thể làm content website. Hay cái gì mình cũng muốn làm muốn học hết thì mình tìm hiểu Content đa kênh, Content Marketing nói chung cho doanh nghiệp.

Sau đó bạn bắt đầu học chuyên sâu hơn bằng cách:

Học miễn phí trên Google, Facebook, Youtube, Tiktok, Linkedin, Hubspot. Ban đầu sẽ hơi khó một chút khi có quá nhiều thứ làm bạn lạc trôi giữa biển kiến thức, về lâu dài khi bạn đã tìm hiểu đủ sâu có thể sẽ hình thành nền kiến thức cơ bản để định hình.

Gợi ý cho bạn là tìm nguồn tham khảo uy tín, bằng cách tìm hiểu background của người chia sẻ, đơn vị tổ chức. Chú ý thêm chút về độ mới và tính ứng dụng với thị trường Việt Nam, vì kiến thức ngành Marketing phải update liên tục.

– Tham gia các lớp học ngắn hạn về Content để hệ thống hóa kiến thức nhanh chóng và được hỏi đáp trực tiếp với giảng viên. Nên ưu tiên các lớp có thể làm bài tập hoặc. Các khóa học có thể được cấp chứng nhận hoặc không tùy mục đích của bạn. Quan trọng hơn hết chúng ta cần có tâm thế học để làm chứ không phải vì tấm bằng. Nếu có thì càng tốt, để ghi nhận quá trình học tập nghiêm túc, đưa vào CV ứng tuyển cũng có giá trị hơn.

– Tham khảo các khóa học online dạng video cũng là một cách tiết kiệm chi phí, có nhiều trang học tập như Brandcamp, KTCity,…với chi phí khoảng 500k-1M/khóa.

BƯỚC 4 – TÌM KIẾM CƠ HỘI THỰC HÀNH

Nghề này không thể biết làm chỉ sau một khóa học hay nghe qua lý thuyết mà phải thực sự làm, làm rất nhiều mới tiến bộ được. Bạn có thể tạo ra kinh nghiệm cho mình bằng cách chăm chỉ làm bài tập ở các lớp bạn tham gia hoặc tạo riêng một fanpage/blog của mình để thỏa sức sáng tạo.

Đơn giản hơn thì bạn có thể viết ngay trên FB cá nhân và theo dõi những tín hiệu tích cực từ số lượt like, share, cmt…hay luyện được cách suy nghĩ, sắp xếp ý tứ, lựa chọn câu từ. Viết 10 bài, 20, 50, 100 bài…chắc chắn tư duy và trình độ sẽ tăng dần theo thời gian. Viết lách cũng là một cách rất tốt để phát triển tư duy. Hoặc bạn không thích viết thì làm hình ảnh, video…cũng đều là sáng tạo nội dung.

BƯỚC 5 – TÌM KIẾM VIỆC LÀM (PARTTIME/FULLTIME)

Nếu đang là sinh viên có thể tìm các công việc cộng tác viên bán thời gian để tích lũy kinh nghiệm. Nếu đã đi làm hãy xin đi thực tập tại agency hoặc bắt đầu với vị trí Junior Content. Tất nhiên, bạn cần chuẩn bị CV và Portfolio cũng như xác định lĩnh vực mà mình muốn làm. Điều này rất quan trọng, tác động rất lớn đến các trải nghiệm về sau vì môi trường đầu tiên quyết định bạn học hỏi và tiến bộ như thế nào.

Nếu may mắn chọn được công ty tốt, môi trường tích cực, được va chạm nhiều bạn sẽ lần lượt đi qua các vị trí.

Các bước cụ thể:

1. Content Intern: 2-6 tháng kinh nghiệm, phụ cấp 2-5M. Vị trí này cần hướng dẫn đào tạo để tập làm quen với công việc, sản xuất các bài đơn giản.

2. Junior Content: dưới 1 năm kinh nghiệm, lương 5-7tr. Vị trí này có thể được giao những task lớn hơn, thành thạo, làm quen với môi trường chuyên nghiệp.

3. Content Executive: từ 1-3 năm kinh nghiệm, lương 8-12tr. Vị trí này bạn cần nắm được 2-3 loại content, biết cách làm việc và phối hợp, vẫn cần học hỏi nhưng cơ bản đảm nhiệm dự án riêng hoặc một phần công việc của team, chịu trách nhiệm cho chính mình.

4. Senior Content: từ 3-5 năm kinh nghiệm, lương 13-18tr. Vị trí này đã sành sỏi về công việc, có thể phát triển quy trình hoặc lên kế hoạch, tốc độ xử lý công việc nhanh và chính xác. Bạn có thể hướng dẫn 1-2 bạn intern.

5. Content Leader: trên 5 năm kinh nghiệm (hoặc sớm hơn tùy công ty) lương 15-25tr. Lúc này bạn cần có tư duy quản lý con người, giao việc, chịu trách nhiệm cho toàn team. Khả năng cần có là tính bao quát và hệ thống, hoạch định kế hoạch, xây dựng định hướng nội dung được cho team, nắm vững chuyên môn sâu của content và quản trị các kênh truyền thông của công ty, đọc số liệu và ra quyết định..

Content Manager

Lương 25-35tr ( vị trí này hơi khó và hiếm). Đây là cấp độ cao hơn, dưới bạn có thể có vài team nhỏ, bạn sẽ quản lý các Leader. Kiến thức cần có liên quan đến Marketing, truyền thông thương hiệu, các công cụ quản lý digital, lên chiến lược nội dung, chủ động đề xuất phương án với CMO hoặc CEO. Khả năng cần có là quản lý, giao tiếp thuyết phục, trình bày, quản lý thời gian, phân tích dữ liệu, hoạch định chiến lược dài hạn, chịu trách nhiệm toàn bộ …

Lưu ý

Các mốc thời gian phấn đấu và mức lương trung bình, sẽ tùy trường hợp, lĩnh vực công ty và tài năng của bạn. Có bạn chỉ sau 6 tháng – 1 năm đã lên được Content Leader.

Thông thường ít ai phát triển hết các vị trí trên chỉ ở một công ty, nhưng không phải là không. Những người đủ kiên trì và gắn bó đi lên với doanh nghiệp từ vị trí thấp nhất thường có thời gian thăng tiến nhanh hơn thay đổi nhiều công ty và bắt đầu lại (tất nhiên vẫn có trường hợp nhảy sang công ty mới với vị trí mới cao hơn). Đa số mọi người sẽ phải trải qua nhiều công ty để học hỏi nhiều dạng content khác nhau hoặc đặc thù riêng của từng lĩnh vực từ biết đến hiểu và am hiểu chuyên sâu, vững vàng kiến thức.

TÓM LẠI LÀ

Nếu có thể, bạn nên bắt đầu ở agency để làm quen với nhịp độ công việc cao, các dự án đa dạng từ đó tìm ra mảng thế mạnh của mình, có cơ hội được trải nghiệm và nâng cao chuyên môn trong thời gian nhanh chóng. Sau đó bạn vẫn tiếp tục làm ở agency hay chuyển qua client, làm riêng, tạo team, mở công ty đều được…

Tất nhiên, làm việc ở client cũng tốt chứ, mình đã bắt đầu ở client trước khi vào agency. Nhưng dù ở đâu, bạn cũng nên tìm hiểu nghiên cứu kỹ về công ty sắp apply để tránh các rủi ro không đáng có, quan trọng là tìm được người sếp/mentor thì sẽ đi rất nhanh.

Chung quy lại các cấp độ của người làm Content sẽ đi qua những hành trình như sau:

VỀ CƠ SỞ TƯ DUY

– Chưa biết viết gì

– Viết rồi mới nghĩ

– Nghĩ gì viết đó

– Vừa viết vừa nghĩ

– Nghĩ rồi mới viết

VỀ MỨC ĐỘ CHỦ ĐỘNG

– Viết theo yêu cầu

– Viết theo ý mình

– Hướng dẫn người khác

– Tự tạo ra đề bài

– Quản lý, kiểm soát

Mỗi người sẽ có một con đường, không ai giống ai vì cơ bản chúng ta không cùng background, không chung điểm xuất phát. Trên con đường đó, nên có mục tiêu rõ ràng, tư duy tích cực và động lực từ bên trọng của bạn, cũng như sự thích nghi linh hoạt vì chỉ có chính bạn mới hiểu rõ bản thân mình.

LỜI KẾT

Trên đây là một số gợi ý cơ bản giúp các bạn mới vào nghề có cơ sở cho định hướng của mình. Chắc chắn thông tin chỉ mang tính chất tham khảo dựa trên góc nhìn của mình và thị trường, các anh chị đi trước có thể bổ sung thêm nhé.

Mình không chúc các bạn vào nghề “êm ả” vì nghề nào cũng có cái giá của nó, sự thành công nào cũng được đánh đổi bởi rất nhiều mồ hôi công sức, sự nỗ lực hàng ngày.

Càng nhiều trải nghiệm thì vốn sống, vốn kiến thức của bạn càng phong phú, sẽ không có gì là dư thừa. Vậy nên, mình mong bạn sớm lựa chọn con đường phù hợp nhất với bản thân và tối ưu nhất đường đi đến đó.

– Hảo Nguyễn –

Xem thêm: Năm mới bạn có kế hoạch tăng lương chưa

=>> Tăng tương tác MXH truy cập ngay: Like Sub Ngon Giá Rẻ

Admin

About Author

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may also like

Cô ấy không thích hoa
Cuộc Sống

Cô ấy không thích hoa

Ngày trước mình đã từng như thế, từng luôn cố tỏ ra hiểu chuyện, không đòi hỏi, không mè nheo,
giọt nước tràn ly khiến bạn tuyệt vọng
Cuộc Sống

Giọt nước làm tràn ly khiến bạn tuyệt vọng

Vấn đề của ta được tạo thành từ cách rất nhiều những cảm xúc quyền lực – đặc biệt như
Free website hits